Viêm đông cứng khớp vai hay viêm dính bao khớp vai (Frozen shoulder) những điều cần biết

Viêm đông cứng khớp vai, còn được gọi là viêm dính bao khớp vai, là nguyên nhân gây đau và cứng khớp vai, vai trở nên khó vận động. Việc hiểu rõ về bệnh sẽ giúp bạn biết cách lựa chọn điều trị theo từng giai đoạn và phòng ngừa tình trạng này một cách  hiệu quả.

Viêm đông cứng khớp vai là một tình trạng phổ biến nhưng ít ai hiểu rõ về bệnh. Sau giai đoạn triệu chứng nghiêm trọng, chứng đông cứng khớp vai có xu hướng tốt lên, mặc dù để hồi phục hoàn toàn có thể phải mất tới 3 năm. Điều trị ban đầu bằng khuyến cáo vật lý trị liệu để giúp vai linh hoạt hơn.

Đông cứng vai thường gặp nhất ở những người trong độ tuổi từ 40–60, đặc biệt là ở phụ nữ. Ngoài ra, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị vai đông cứng cao hơn.

Giải phẫu khớp vai

Vai gồm 3 xương tạo thành một khớp chỏm và ổ chảo: xương cánh tay (humerus), xương bả vai (scapula) và xương đòn (clavicle).

Phần chỏm xương cánh tay khớp với một ổ chảo nông ở xương bả vai. Mô liên kết bao chắc quanh khớp còn gọi là bao khớp vai.

Chất hoạt dịch để bôi trơn bao khớp và khớp vai giúp vai di chuyển dễ dàng hơn.

Mô tả bệnh lý

Trong bệnh viêm đông cứng khớp vai, bao khớp vai dày lên, trở nên cứng và căng hơn. Đồng thời, dải mô liên kết cũng dày lên. Trong rất nhiều trường hợp, số lượng dịch khớp cũng giảm dần theo thời gian.

Dấu hiệu của tình trạng này gồm đau đớn nghiêm trọng và không thể vận động vai, dù là tự vận đông hoặc có sự giúp đỡ của người khác. Bệnh diễn tiến theo ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Đóng băng (Freezing)

Trong giai đoạn “đóng băng’, bạn sẽ ngày càng cảm thấy đau hơn. Vai bắt đầu nhức và rất đau khi với chạm. Bạn sẽ đau nhiều vào buổi tối và khi nằm nghiêng bên vai bệnh. Khi cơn đau trở nên tệ hơn, vai của bạn giảm độ vận động. Sự đóng băng thường kéo dài từ 6 tuần đến 9 tháng.

Giai đoạn 2: Đông cứng (Frozen)

Các triệu chứng đau có thể thực sự cải thiện trong giai đoạn này, nhưng tình trạng cứng vai vẫn còn. Các cơ vai có thể bắt đầu teo nhẹ vì không được vận động. Trong thời gian từ 4–6 tháng của giai đoạn “đông cứng’, bạn có thể khó khăn hoạt động hàng ngày.

Giai đoạn 3: Tan băng (Thawing)

Chuyển động vai dần cải thiện trong giai đoạn “tan băng’. Vai có thể hoàn toàn trở lại bình thường hoặc lấy lại sức mạnh và chuyển động gần như bình thường sau 6 tháng đến 2 năm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm đông cứng khớp vai vẫn chưa rõ. Các chuyên gia không tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa vai bên tay thuận với nghề nghiệp. Các yếu nguy cơ bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường. Vai đông cứng xảy ra thường xuyên hơn ở những người bị tiểu đường. Lý do của điều này vẫn chưa được biết đến. Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường bị đông cứng vai có xu hướng bị đông cứng cao và duy trì trong một thời gian dài trước khi “tan băng’ và có thể bị cả 2 vai.
  • Những bệnh lý khác. Một số vấn đề sức khỏe liên quan đến đông cứng vai bao gồm suy giáp, cường giáp, bệnh Parkinson và bệnh tim.
  • Bất động. Đông cứng vai có thể phát triển sau khi vai được cố định một khoảng thời gian sau phẫu thuật, gãy xương hoặc chấn thương khác. Bạn có thể vận động vai ngay sau khi chấn thương hoặc phẫu thuật để ngăn ngừa đông cứng vai.

Những triệu chứng của căn bệnh này 

Cơn đau do đông cứng vai thường âm ỉ hoặc đau nhức. Nó thường nghiêm trọng hơn theo thời gian và khi bạn vận động cánh tay. Cơn đau thường nằm ở vùng vai bên ngoài và đôi khi lan đến phần trên của cánh tay.

Triệu chứng thực thể: Sau khi thảo luận về các triệu chứng và bệnh sử, bác sĩ sẽ khám vai của bạn. Bác sĩ sẽ chuyển động vai của bạn một cách cẩn thận theo mọi hướng để xem vận động có bị hạn chế hay không và cơn đau có xảy ra khi vận động không. Mức độ vận động khi người khác di chuyển vai của bạn được gọi là “mức độ vận động thụ động’. Bác sĩ sẽ so sánh vận động này với mức độ khi bạn tự di chuyển vai của mình (“mức độ vận động chủ động’). Những người có vai đông cứng thường bị giới hạn mức vận động cả chủ động và thụ động.

Chẩn đoán hình ảnh

Các chẩn đoán hình ảnh có thể giúp bác sĩ loại trừ các nguyên nhân gây đau và cứng vai khác, bao gồm:

  • X-quang. Các cấu trúc dày đặc, chẳng hạn như xương, xuất hiện rõ ràng trên các flim X-quang có thể cho thấy các vấn đề khác trong vai của bạn, chẳng hạn như viêm khớp.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm. Xét nghiệm này có thể tạo ra hình ảnh ở mô mềm tốt hơn. Tuy nhiên, phương pháp này không bắt buộc dùng để chẩn đoán vai bị đông cứng, nhưng có thể giúp xác định các vấn đề khác trong vai, chẳng hạn như rách các gân cơ chóp xoay vai.

Điều trị

Viêm đông cứng khớp vai thường trở nên tốt hơn theo thời gian, mặc dù có thể mất đến 3 năm. Trọng tâm của việc điều trị là kiểm soát cơn đau, phục hồi vận động và sức mạnh thông qua vật lý trị liệu. Tùy theo giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ dùng các phương pháp điều trị thích hợp sau đây:

  • Điều trị không phẫu thuật. Hầu hết mọi người bị đông cứng vai có thể cải thiện bằng các phương pháp điều trị tương đối đơn giản để kiểm soát cơn đau và phục hồi vận động.
  • Thuốc kháng viêm không steroid. Các thuốc như aspirin và ibuprofen làm giảm đau và sưng.
  • Tiêm steroid. Cortisone là một thuốc kháng viêm mạnh, có thể tiêm trực tiếp vào khớp vai.
  • Tiêm dịch làm căng khớp (Hydrodilatation). Nếu các triệu chứng của bạn không giảm bằng các phương pháp không phẫu thuật khác, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tiêm dịch để làm căng khớp. Thủ thuật này liên quan đến việc tiêm một lượng lớn chất lỏng vô trùng vào khớp vai để mở rộng và kéo căng khớp vai.
  • Vật lý trị liệu.Các bài tập cụ thể sẽ giúp khôi phục vận động, có thể được thực hiện dưới sự giám sát của nhà trị liệu vật lý hoặc thông qua một chương trình tập tại nhà. Việc điều trị bao gồm căng cơ hoặc các bài tập gia tăng vận động cho vai. Đôi khi bạn có thể sử dụng nhiệt để giúp nới lỏng vai trước khi kéo căng. Dưới đây là ví dụ về một số bài tập có thể được đề xuất. Xoay ngoài – kéo giãn thụ động; Đưa ra trước – vị trí nằm ngửa; Kéo căng chéo cánh tay.

Phẫu thuật viêm quanh khớp vai

Nếu các triệu chứng của bạn không giảm bớt bằng điều trị và các phương pháp không phẫu thuật khác. Điều quan trọng là bạn nên nói chuyện với bác sĩ về khả năng phục hồi của mình nếu tiếp tục với phương pháp điều trị đơn giản cũng như những rủi ro liên quan đến phẫu thuật.

Phẫu thuật trong trường hợp này thường được thực hiện trong “Giai đoạn 2: đông cứng’. Mục tiêu của phẫu thuật là làm giãn và giải phóng bao khớp vai. Các phương pháp phổ biến nhất bao gồm thao tác vận động khớp vai dưới gây mê và nội soi khớp vai.

  • Vận động khớp vai dưới gây mê.Trong thủ thuật này, bạn sẽ được gây mê. Bác sĩ sẽ dùng lực của tay chuyển động vai của bạn làm cho mô sụn và sẹo giãn ra hoặc rách. Điều này giải phóng sự co rút và tăng phạm vi vận động của vai.
  • Nội soi khớp vai.Với phẫu thuật này, bác sĩ sẽ đục một đường qua các phần co rút của bao khớp. Bác sĩ sẽ thực hiện bằng cách sử dụng các dụng cụ có kích thước bằng cây bút chì đưa qua các vết rạch nhỏ xung quanh vai của bạn.

Trong nhiều trường hợp, vận động khớp vai và nội soi khớp được kết hợp để thu được kết quả tối đa. Hầu hết bệnh nhân có kết quả tốt với các phẫu thuật này.

Phục hồi sau phẫu thuật

Sau khi phẫu thuật, bạn cần vật lý trị liệu để duy trì vận động. Thời gian phục hồi thay đổi từ 6 tuần đến 3 tháng. Mặc dù đây là một quá trình chậm, nhưng sự tuân thủ của bạn sẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phục hồi.

Về lâu dài, kết quả phẫu thuật nhìn chung là tốt, tình trạng đông cứng vai của hầu hết bệnh nhân sẽ giảm hoặc không đau và cải thiện mức độ vận động. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thậm chí sau vài năm, vai có thể không vận động và một số trường hợp mức độ cứng vẫn còn. Bệnh nhân tiểu đường trong một số trường hợp vẫn bị vai đông cứng sau phẫu thuật.

Mặc dù không phổ biến, nhưng chứng vai đông cứng vẫn có thể tái phát, đặc biệt nếu bạn có yếu tố nguy cơ như bệnh tiểu đường.

Bên trên là những thông tin y khoa về bệnh lý viêm đông cứng khớp vai mà chúng tôi muốn cung cấp đến bạn đọc. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này cũng như có được phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Chúc bạn sớm hồi phục lại sức khỏe.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Contact Me on Zalo
0902 340 876