Bọc hoạt dịch vùng cổ bàn tay
Bọc (túi) hoạt dịch là khối u thường gặp nhất ở bàn tay. Trong phần lớn trường hợp, bệnh này không liên quan đến ung thư và thường vô hại. Chúng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng thường hay gặp ở mặt lưng của cổ tay.
Những túi nang đầy dịch này có thể xuất hiện, rồi biến mất, hay thay đổi kích thước một cách nhanh chóng. Đa số các túi nang này không cần phải điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp những túi nang này gây đau, ảnh hưởng đến sinh hoạt hoặc vì nhu cầu thẩm mỹ của bệnh nhân thì vẫn có thể có một số cách điều trị.
Mô tả
Túi hoạt dịch này mọc ra từ khớp cổ tay, giống như một quả bóng nước mọc ra từ thân cây. Nó phát triển bên cạnh những mô xung quanh vùng khớp như dây chằng, bao gân hoặc bao khớp. Bên trong túi này là một loại dịch nhầy, trơn, giống như loại dịch lỏng làm trơn các khớp.
Túi hoạt dịch có thể sinh sôi từ một số khớp ở vùng cổ bàn tay. Chúng có thể xuất hiện ở phía trên hoặc cạnh bên khớp cổ tay, cũng như ở các khớp liên đốt ngón tay hay ở khớp bàn ngón. Những túi nang này đa dạng về kích thước, và thường phát triển lớn hơn khi chúng ta hoạt động cổ tay nhiều hơn. Khi chúng ta nghỉ ngơi thì những túi nang này có thể teo lại.
Nguyên nhân
Vẫn chưa có câu trả lời về nguồn gốc của sự hình thành túi hoạt dịch, thường xuất hiện ở người trẻ có độ tuổi từ 15 đến 40 tuổi, và nữ giới thường có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn. Bệnh này cũng hay gặp ở những người chơi thể thao nhiều bởi vì họ thường phải vận động cổ tay, khiến cho các khớp vùng cổ tay chịu nhiều áp lực hơn người bình thường.
Túi hoạt dịch xuất hiện ở vùng khớp liên đốt xa được gọi là túi dịch nhầy, thường đi kèm với bệnh viêm khớp liên đốt xa ngón tay. Túi dịch nhầy thường xuất hiện ở phụ nữ từ 40 đến 70 tuổi.
Triệu chứng
Đa số các túi hoạt dịch khi xuất hiện sẽ hình thành một khối lớn, tuy nhiên trong một số trường hợp vẫn có những túi còn nhỏ và nằm ẩn dưới da (hay còn gọi là nang ẩn). Thường thì túi hoạt dịch không để lại nhiều triệu chứng, nhưng trong các trường hợp túi quá lớn gây chèn ép các dây thần kinh thì có thể gây cho bệnh nhân cảm giác tê, đau và thậm chí là yếu liệt cơ do thần kinh đó chi phối.
Một số túi hoạt dịch lớn, tuy không gây đau đớn, nhưng chúng ta vẫn có thể nhận ra chúng vì chúng thường lộ diện rõ ràng dưới da.
Khám bệnh
Hỏi bệnh sử và thăm khám
Trong suốt cuộc hẹn đầu tiền, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và triệu chứng từ bệnh nhân. Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh rằng họ đã có “cái bướu” (túi hoạt dịch) này được bao lâu? Liệu rằng nó có thay đổi kích thước hay gây đau đớn gì chưa?
Bác sĩ sẽ ấn vào túi hạch để kiểm tra xem chúng có mềm hay không? Bởi vì túi hoạt dịch này chứa đầy dịch, nên nó sẽ cho ánh sáng đi qua một cách mờ nhạt. Khi đó bác sĩ sẽ soi đèn và kiểm tra xem liệu có thấy được một luồng ánh sáng mờ hay không?
Kiểm tra hình ảnh (cận lâm sàng)
Xquang: Túi hoạt dịch thường sẽ cho hình ảnh cản quang giống như xương. Cho dù ở trên phim không thấy hình ảnh túi hoạt dịch, thì Xquang cũng rất cần thiết để tìm ra dấu hiệu viêm khớp hoặc bướu xương.
MRI hoặc siêu âm
MRI và siêu âm có thể giúp chúng ta nhìn thấy hình ảnh túi hoạt dịch rõ ràng và dễ dàng hơn. Trong một số trường hợp, chúng ta cần những phương tiện hình ảnh này để tìm ra được những túi hoạt dịch ẩn dưới da, hoặc để phân biệt giữa túi hoạt dịch và các bệnh về bướu khác.
Điều trị
Điều trị không phẫu thuật
Phương pháp điều trị đầu tiên là điều trị không cần phẫu thuật
- Quan sát: Bởi vì túi hoạt dịch là một bệnh không liên quan đến ung thư và không gây nguy hiểm nên nếu không có triệu chứng, bác sĩ của bạn sẽ khuyên bạn chỉ chờ đợi và quan sát để chắc chắn rằng không có thay đổi bất thường nào xảy ra.
- Bất động: Vận động liên tục sẽ khiến cho kích thước của túi hoạt dịch tăng lên như đã đề cập ở trên, và điều này có thể khiến túi nang này gây chèn ép thần kinh làm bệnh nhân cảm thấy đau. Mang nẹp bột hoặc nẹp vải ôm lấy cổ tay có thể khiến cho bệnh nhân bớt đau và giảm kích thước của những túi hoạt dịch này. Khi cơn đau bắt đầu giảm đi thì bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân tập vận động lại để tăng sức mạnh cũng như tăng biên độ vận động cho các khớp.
- Chọc hút dịch: Khi túi hoạt dịch trở nên quá lớn, gây đau đớn vì chèn ép thần kinh, chúng ta có thể làm giảm cơn đau cũng như giảm kích thước túi hoạt dịch bằng cách chọc hút dịch của túi ra ngoài. Tiến hành thủ thuật bằng cách gây tê vùng túi hoạt dịch và bác sĩ sẽ dùng một cây kim chích vào túi hoạt dịch để rút dịch ra ngoài. Thủ thuật chọc hút dịch thường không mang lại hiệu quả cao, do “gốc rễ” của túi hoạt dịch vẫn còn nằm ở các khớp hay bao gân. Có thể hiểu như “nhổ cỏ nhưng chưa nhổ tận gốc”. Vì thế túi hoạt dịch vẫn có khả năng tái phát sau khi đã chọc hút. Thủ thuật chọc hút thường được áp dụng khi túi hoạt dịch nằm ở phía trên khớp cổ tay.
Điều trị phẫu thuật
Bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật điều trị nếu như triệu chứng không giảm sau khi điều trị không phẫu thuật, hoặc túi hoạt dịch tái phát sau khi đã chọc hút. Thủ thuật loại bỏ túi hoạt dịch lúc này được gọi là cắt bỏ nang.
Khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ túi hoạt dịch và những thành phần liên quan tới túi hoạt dịch nằm ở các khớp, bao gân hay bao khớp. Điều này giúp chúng ta “nhổ cỏ tận gốc”. Tuy nhiên, vẫn có một tỉ lệ rất nhỏ sau khi mổ túi hoạt dịch sẽ tái phát trở lại.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể về nhà sau một khoảng thời gian ngắn theo dõi tình trạng sau mổ. Có thể xuất hiện tình trạng sưng, không thoải mái hoặc tê nhẹ sau mổ. Bệnh nhân có thể sinh hoạt lại bình thường sau phẫu thuật từ 2 đến 6 tuần.